Để doanh nghiệp khởi nghiệp xanh phát triển
Năm qua, nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Bối cảnh này buộc chúng ta phải thay đổi tư duy, chuyển đổi ngành nghề, lĩnh vực để thích ứng.
Môi trường là vấn đề chung
Việt Nam đang có những thuận lợi nhất định trong việc phát triển kinh tế xanh – vấn đề mà chính phủ nhiều nước trên thế giới đặc biệt quan tâm.
Sau Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã đẩy mạnh vấn đề bảo vệ môi trường thông qua các hội nghị, hội thảo, huấn luyện và truyền thông.
Trong năm qua, TP HCM đã tham dự nhiều chương trình xung quanh chủ đề này, như: kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, Netzero, giảm phát thải khí nhà kính, tái chế, nông nghiệp xanh, chuyển đổi số…
Nhờ đó, người dân, doanh nghiệp nhận thức được việc bảo vệ môi trường không phải là trách nhiệm, nhiệm vụ của riêng ai, cũng không phải của tổ chức hay đơn vị đang hoạt động trong lĩnh vực môi trường mà nó chính là vấn đề chung của mọi người.
Với người sáng lập doanh nghiệp (startup), lựa chọn lĩnh vực thông thường để khởi nghiệp trong bối cảnh kinh tế ngày nay đã khó, với khởi nghiệp xanh lại khó trăm bề.
Mục tiêu, định hướng của doanh nghiệp xanh không chỉ dừng lại ở con số doanh thu mà còn phải là trách nhiệm đối với xã hội, đóng góp một phần giảm thiểu rác thải cho môi trường tại chính nơi mình đang sinh sống và làm việc.
Ví dụ, với doanh nghiệp quyết định và kiên định chọn lĩnh vực tái chế để khởi nghiệp, kim chỉ nam cho mọi hoạt động phải là “khởi nghiệp xanh – khởi nghiệp cho xã hội”, qua đó góp phần vào việc giảm thiểu rác thải môi trường, tạo công ăn việc làm mới cho người lao động.
Cần thêm chính sách, cơ chế ưu đãi
Như đã nêu trên, khởi nghiệp không phải là điều dễ dàng với mọi người, nhất là trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Nhưng với sự cam kết của Chính phủ nước ta tại hội nghị COP28 mới đây, doanh nghiệp đã và sẽ nhận được sự hỗ trợ từ cơ quan, chính quyền, báo chí…
Vấn đề cần quan tâm hơn nữa đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tái chế rác thải, môi trường chính là khó khăn về nguồn vốn, chính sách thuế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, thử nghiệm, đào tạo nhân lực.
Ngoài ra, vẫn còn thiếu rất nhiều hoạt động như hội chợ, triển lãm, trưng bày để các doanh nghiệp có cơ hội kết nối, giao lưu học hỏi lẫn nhau, tạo ra một cộng đồng xanh lớn mạnh cho cả nước, không chỉ riêng tại TP HCM.
Kỳ vọng rằng bước sang năm mới 2024, doanh nghiệp trong lĩnh vực môi trường tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ cơ quan, chính quyền cũng như những chính sách, cơ chế ưu đãi để thúc đẩy, tạo đòn bẩy phát triển. Bởi lẽ, nếu nhận được sự hỗ trợ từ mọi phía thì phong trào khởi nghiệp xanh sẽ lớn mạnh rất nhanh.
Những điều mà doanh nghiệp đang gặp phải, kỳ vọng năm 2024 sẽ nhận được sự hỗ trợ. Cụ thể, chính sách ưu đãi giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tái chế rác thải, dịch vụ liên quan môi trường; chính sách giảm thuế thu nhập cá nhân cho người lao động tại các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực liên quan môi trường – thay vì trước đây chỉ ưu đãi cho các vùng, địa phương khó khăn.
Doanh nghiệp cần có cơ chế hỗ trợ kinh phí khi tham gia các gian hàng triển lãm, hội chợ trong và ngoài nước; được tiếp cận nguồn vốn tín chấp với lãi suất thấp, giảm bớt điều kiện, quy định, quy trình, thủ tục hồ sơ riêng đối với doanh nghiệp khởi nghiệp lĩnh vực môi trường.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần được hỗ trợ chính sách giá thuê đất đặc biệt để tạo điều kiện mở rộng quy mô sản xuất; hỗ trợ kinh phí liên quan các thủ tục đăng ký bản quyền, bằng phát minh, sáng chế, thử nghiệm sản phẩm nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên cho nước nhà.