TTO – Trong bối cảnh Trái đất đang chịu nhiều áp lực từ gia tăng dân số và biến đổi khí hậu, các hoạt động sản xuất thân thiện, hài hòa với môi trường, trong đó có khởi nghiệp xanh, sẽ là hướng đi bền vững cho thế hệ tương lai.
Thông điệp này đã được nhấn mạnh trong talkshow “Chắp cánh khởi nghiệp xanh” do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM ngày 15-11.
“Xanh hóa” bằng công nghệ
Gắn bó với cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam nhiều năm qua, bà Lê Thị Tường Vy – phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC) – nhận thấy xu hướng ngày càng gia tăng các ý tưởng start-up từ các bạn trẻ trên cả nước gắn liền với phát triển xanh. “Xanh” ở đây không hẳn phải là “trồng cây gây rừng”, mà còn là những giải pháp giúp giảm tiêu thụ năng lượng, nhiên liệu thông qua việc tối ưu hóa năng suất bằng công nghệ mới.
Bà Vy cho rằng xu hướng “xanh hóa” start-up hiện tại ở TP.HCM còn được hưởng lợi bởi hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP đang phát triển năng động. Theo nghiên cứu của quốc tế, TP.HCM tiếp tục thăng hạng lên vị trí 111 và đang tiến gần đến top 100 thành phố khởi nghiệp toàn cầu.
Từng là giám khảo cho nhiều cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp trên khắp cả nước, TS Nguyễn Thị Quý Phương – tổng giám đốc Công ty tư vấn QP Việt Nam, đại diện nhà sáng lập Giải thưởng quốc tế VinFuture – rất ấn tượng với những dự án start-up xanh của các bạn trẻ trên cả nước. “Các hoạt động, sản xuất “xanh” đã trở thành “nghĩa vụ”, không phải là sự “lựa chọn”.
Thế giới ghi nhận công dân thứ 8 tỉ, vì vậy áp lực từ sản xuất, kinh doanh sẽ càng gây ra áp lực cho Trái đất – TS Nguyễn Thị Quý Phương nói – Khởi nghiệp gắn với kinh tế xanh cũng là tất yếu. Sẽ có rất nhiều thách thức trong khởi nghiệp xanh, nhưng nếu vượt qua được, cơ hội vô cùng rộng mở”.
Nơi nâng tầm ý tưởng của bạn trẻ
Chia sẻ trước các sinh viên tham dự talkshow tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, TS Nguyễn Thị Quý Phương truyền đi thông điệp “dám nghĩ – dám làm”.
Theo bà, các ý tưởng khởi nghiệp luôn ở xung quanh nếu các bạn chịu khó quan sát và có một quyết tâm bắt đầu hiện thực hóa giải pháp. “Quan trọng nhất luôn là ý tưởng. Một ý tưởng hay sẽ là bước đầu tiên cho hành trình khởi nghiệp”, bà Phương nói.
TS Nguyễn Thị Quý Phương cho rằng nơi gửi gắm các ý tưởng của các bạn trẻ cũng có ý nghĩa đặc biệt.
Các bạn cũng sẽ gặp được những người cùng chí hướng khởi nghiệp xanh, từ đó được “tiếp lửa” cho hành trình phía trước.
ThS Vương Khiết – giám đốc vườn ươm, Viện đổi mới sáng tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM – cho rằng tại những cuộc thi uy tín như “Chắp cánh khởi nghiệp xanh”, người tham gia, đặc biệt là các sinh viên, sẽ có cơ hội gặp được những cố vấn cho dự án.
Họ là những người sẽ đưa ra những lời khuyên vô cùng hữu ích về định hướng phát triển sản phẩm cũng như hướng kinh doanh, đưa dự án vào cuộc sống.
“Các bạn cũng có thể kết nối được với những nhà đầu tư, từ đó có được nguồn vốn ban đầu để triển khai dự án khởi nghiệp xanh của mình”, ông Khiết nói.
Đặc biệt với những cuộc thi có được sự đồng hành của doanh nghiệp, các thí sinh sẽ càng có nhiều sự hỗ trợ.
Anh Bùi Anh Khoa – trưởng phòng truyền thông và trách nhiệm xã hội Công ty xi măng INSEE, đơn vị đồng hành cùng “Chắp cánh khởi nghiệp xanh” – cho biết trong suốt nhiều năm qua, công ty rất quan tâm đến sản xuất bền vững và hỗ trợ những hoạt động khởi nghiệp xanh.
Công ty đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tìm kiếm những ý tưởng đổi mới sáng tạo hữu ích từ các sinh viên, qua đó tạo nền tảng cho các sinh viên có được kinh nghiệm, đặc biệt trong mảng xây dựng bền vững.
Các chương trình của INSEE thu hút hàng ngàn ý tưởng. Những bạn trẻ chiến thắng hằng năm được cấp vốn thực hiện dự án mơ ước của họ, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân địa phương ở những vùng khó khăn.
Bất ngờ những ý tưởng độc đáo
Kể từ khi phát động đến nay, cuộc thi “Chắp cánh khởi nghiệp xanh” đã nhận được nhiều ý tưởng đặc biệt, có tính thực tiễn cao. Nhiều ý tưởng xuất phát từ chính cuộc sống hằng ngày.
Chẳng hạn, bạn đọc Nguyễn Tấn Lộc đem đến cuộc thi tác phẩm “Tái chế bã cà phê”. Là người thường uống cà phê, khi nhìn thấy các hàng quán vứt bỏ bã cà phê, anh tự hỏi vì sao không có cách tận dụng chúng cho nông nghiệp, sản xuất dược phẩm hay làm đồ thủ công? Hiện anh đã triển khai một dự án tái chế bã cà phê và trong quá trình hoàn thiện sản phẩm đầu tiên.
Một số ý tưởng trong cuộc thi đã được triển khai thực tiễn và đem lại lợi ích kinh tế. Điển hình, bạn đọc Đặng Dương Minh Hoàng dự thi tác phẩm “Nông trại Thiên Nông”. Hoàng đã dành nhiều năm bôn ba ở cả Việt Nam và Pháp để học hỏi những công nghệ, kỹ thuật mới trong ngành tự động hóa.
Khi thấy hành trang đã đủ, Hoàng trở lại Bình Phước, khởi nghiệp nông nghiệp xanh, canh tác tuần hoàn, đồng thời ứng dụng công nghệ số để quản lý vòng đời của cây trồng, đặc biệt là cây bơ bản địa.
Chờ đợi thêm những bước đột phá
Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp do báo Tuổi Trẻ phối hợp với các đơn vị đồng hành là Công ty Hyundai Thành Công và Xi măng INSEE Việt Nam tổ chức. “Chắp cánh khởi nghiệp xanh” mong muốn nhận được những ý tưởng khởi nghiệp từ các bạn trẻ ở nhiều lĩnh vực.
Khuyến khích các ý tưởng sáng tạo, độc đáo trong việc xây dựng các công trình xanh, mang lại nhiều giá trị, giúp giải quyết những vấn đề cấp bách, cần thiết của xã hội và tạo ra giá trị thực tiễn cho cộng đồng.
Có thể nói về lĩnh vực và sản phẩm, dịch vụ sẽ thực hiện; mô hình sản xuất, kinh doanh sẽ thành lập hoặc các hoạt động mà ý tưởng khởi nghiệp sẽ thực hiện. Phân tích được những ý nghĩa kinh tế, xã hội mang lại khi triển khai ý tưởng thành công mà điều quan trọng là phải XANH.
Giá trị giải thưởng của cuộc thi vô cùng hấp dẫn. Cụ thể, 1 giải nhất trị giá 30 triệu đồng, 1 giải nhì trị giá 20 triệu đồng, 1 giải ba trị giá 10 triệu đồng, 5 giải khuyến khích trị giá 5 triệu đồng mỗi giải.
https://tuoitre.vn/khoi-nghiep-xanh-huong-di-cua-the-he-tuong-lai-2022111610045623.htm